13:21, Thứ Năm, 25/04/2024     Lịch công tác   Thư điện tử   English

Công tác bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, Giáo viên mầm non, tiểu học, THCS năm học 2017- 2018 tại Trường Đại học Hùng Vương

Thứ tư, 15/11/2017, 18:49

Thực hiện nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao và kế hoạch phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ giáo viên các cấp năm học 2017- 2018, trên cơ sở yêu cầu và kết quả đào tạo bồi dưỡng tại các huyện, thành, thị; Trường Đại học Hùng Vương đã phối hợp với các Phòng Giáo dục các huyện thành thị tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, Giáo viên mầm non, tiểu học, THCS năm học 2017- 2018.

Trong quá trình thực hiện, Nhà trường đã chỉ đạo các khoa chuyên môn (Khoa Ngoại ngữ, Khoa Giáo dục Tiểu học Mầm non, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Toán - Tin) cử giảng viên tham gia và xây dựng chương trình (mời chuyên gia hàng đầu để hỗ trợ, xây dựng chương trình; tham gia góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, đảm bảo nội dung cập nhật phù hợp với nhu cầu của người học). 

Tính đến 12/11/2017, có 8 huyện thành thị phối hợp tham gia gồm: Tân Sơn, Cẩm Khê, Lâm Thao, Phù Ninh; Tam Nông, Đoan Hùng, Yên Lập, Thanh Ba với 4.470 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia.

Qua tổng hợp sơ kết đánh giá tại 8 huyện cho thấy: Việc tổ chức các khóa bồi dưỡng kịp thời, đúng đối tượng và đúng yêu cầu nội dung của sở Giáo dục và Đào tạo, nội dung chương trình bồi dưỡng, bao gồm các chuyên đề:

* Bậc học Mầm non:

       - Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) sau sửa đổi, bổ sung của Chương trình GDMN ban hành kèm theo Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

        - Hướng dẫn tổ chức theo dõi sức khỏe cho trẻ nhà trẻ, mẫu giáo theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 12/5/2016 quy định về công tác y tế trường học.

          - Sinh hoạt chuyên môn chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm “ Lấy trẻ làm trung tâm”.

          - Bồi dưỡng cho CBQL, GV về nội dung “Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân” theo tinh thần văn bản số 1563/BGDĐT-GDMN ngày 18/4/2017 về “Đảm bảo an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non”.

* Cấp Tiểu học:

          - Dạy học theo định hướng tiếp cận năng lực người học môn Toán, Tiếng Việt.

         - Dân chủ hóa trường học gắn với nâng cao năng lực quản trị nhà trường và trách nhiệm của người đứng đầu.

          - Nâng cao năng lực cho giáo viên về kỹ thuật đánh giá học sinh tiểu học.

          - Nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh (hệ 10 năm) trong trường TH.

* Cấp Trung học cơ sở:

         - Nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp dạy học tích cực, phương pháp kiểm tra đánh giá và các nội dung theo tinh thần đổi mới của Bộ GD&ĐT cho cả đội ngũ CBQL và giáo viên giảng dạy.

         - Bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.

Nhìn chung, việc phối hợp, tổ chức lớp học của các huyện được thực hiện nghiêm túc, về phía nhà trường đã bố trí giảng viên có trình độ (là lãnh đạo các khoa, trưởng các bộ môn) tham gia giảng dạy với ý thức trách nhiệm cao; nội dung chương trình cơ bản sát nhu cầu học viên; các chuyên đề bồi dưỡng đều đảm bảo tính khoa học, tính cập nhật, phù hợp với nhu cầu của người học và điều kiện thực tiễn tại các huyện, đáp ứng được nhu cầu của người học (qua thông tin phản hồi, đa số học viên ghi nhận, đánh giá cao).

Tuy nhiên, qua công tác tổ chức triển khai ở 8 huyện thành thị cho thấy một số vấn đề nổi lên cần rút kinh nghiệm đó là: Việc phối hợp tổ chức ở một số đơn vị chưa kịp thời, một số nơi chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương; công tác tổ chức lớp học ở một số nơi chưa đảm bảo yêu cầu (việc tổ chức bố trí học viên tham gia một số chuyên đề còn lồng nghép cả cán bộ quản lý và giáo viên); thời gian cần tổ chức sớm hơn đối với khối mầm non; việc xây dựng chương trình cần khảo sát, đánh giá kỹ hơn ở từng địa phương (không thể áp dụng chung do yêu cầu ở từng huyện là khác nhau).

Để việc tổ chức triển khai nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng hàng năm cho cán bộ quản lý, chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp cho giáo viên và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình thay thế sách giáo khoa phổ thông (dự kiến thực hiện từ năm 2019), Trường Đại học Hùng Vương trân trọng đề nghị:

- Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các huyện, thành thị rà soát, đánh giá trình độ, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; định hướng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học.

- Đề nghị UBND các huyện thành thị chỉ đạo phòng Giáo dục phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương tổ chức khảo sát nhu cầu và đối tượng người học (cán bộ quản lý, giáo viên) trình Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, có hướng dẫn khung chương trình cho phù hợp và thực tế nhu cầu của các huyện, thành, thị. Về lâu dài, có kinh phí hỗ trợ cho Nhà trường thực hiện (đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục cần có sự phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo và nâng cao chất lượng).

Trường Đại học Hùng Vương cam kết chuẩn bị đội ngũ đảm bảo chuyên môn; phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành, thị để chuẩn bị nội dung chương trình và tổ chức tập huấn đạt kết quả.

Dưới đây là một số hình ảnh: 

TS. Lê Thị Hồng Chi - Khoa GDTH&MN tham gia bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý
và giáo viên tại huyện Lâm Thao

ThS.  Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Trưởng khoa Khoa Ngoại ngữ  hướng dẫn học viên thảo luận nhóm tại lớp bồi dưỡng huyện Lâm Thao

Lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên tại huyện Lâm Thao

Lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên tại huyện Phù Ninh

Lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên tại huyện Tân Sơn

Các cán bộ quản lý và giáo viên tại huyện Thanh Ba tham gia thảo luận nhóm tại lớp bồi dưỡng

Lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên tại huyện Đoan Hùng

Các cán bộ quản lý và giáo viên tại huyện Cẩm Khê trao đổi ý kiến tại lớp bồi dưỡng

Cán bộ quản lý và giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng tại huyện Yên Lập chụp ảnh lưu niệm





HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN