Dai hoc Hung Vuong

Cổng thông tin điện tử trường Đại học Hùng Vương

Bản in từ địa chỉ: https://www.hvu.edu.vn/tin-tuc/1492423815.hvu
In tin này

Trường ĐH Hùng Vương tổ chức Hội thảo "Giải pháp phát triển, quảng bá sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương"

Gửi vào: 17:09 17/04/2017

Nằm trong chuỗi các hoạt động thực hiện đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương phục vụ phát triển du lịch trên quê hương Đất Tổ”, ngày 14/4/2017 , Trường Đại học Hùng Vương đã tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển, quảng bá sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương.  Dự Hội thảo có: GS. TS Phạm Hồng Tung - Viện Trưởng viện Việt Nam học và phát triển, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lãnh đạo các sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch, sở Ngoại vụ,khu di tích lịch sử Đền Hùng, trường THPT Chuyên Hùng Vương, về phía trường Đại học Hùng Vương có: TS. Trịnh Thế Truyền, phòng Khoa học Công nghệ, lãnh đạo Khoa KHXH&NV và giảng viên Bộ môn Văn hóa Du lịch cùng nhóm thực hiện đề tài cấp tỉnh.

Sau một thời gian nghiên cứu thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đề tài của trường Đại học Hùng Vương đã thiết kế được một số sản phẩm đặc trưng bước đầu thu nhận được những đánh giá, phản hồi từ phía du khách và các nhà khoa học, tuy nhiên những đánh giá chỉ dừng lại ở đánh giá đơn lẻ các sản phẩm chưa có sự đánh giá một cách toàn diện. Hội thảo Giải pháp phát triển, quảng bá sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương diễn ra nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi về vấn đề này.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu các nhà giáo dục  ở các cơ sở trong và ngoài tỉnh Phú Thọ. Đóng góp cho hội thảo có 23 đề tài nghiên cứu, Hội thảo đã lựa chọn 7 tác giả cho 7 đề tài trình bày tại chỗ dưới dạng tham luận. Trong đó nhìn chung các đề tài chủ yếu tập trung khai thác 3 nhóm vấn đề chính sau đây:

Nhóm thứ nhất: Thiên về những vấn đề có tính chất tổng thể, bao trù các nội dung của hội thảo, các bài viết của các tác giả Tạ Thị Kim Dung, Đặng Tiến Khanh, Thèn Thị Liên...làm rõ các vấn đề thực trạng tình hình sản xuất, việc nghiên cứu lựa chọn, thiết kế các sản phẩm lưu niệm mang ý nghĩa biểu tượng văn hóa Hùng Vương. Bên cạnh đó các tác giả Nguyễn Quang Hưng, Lê Thị Thùy ... lại đi sâu vào những vấn đề thuộc về giá trị văn hóa của điêu khắc thời kỳ Hùng Vương và chuyển thể thành những sản phẩm có tính chất giáo dục, giải trí.

Nhóm thứ hai: tập trung vào các vấn đề nhằm đẩy mạnh việc sản xuất sản phẩm lưu niêm mang đặc  trưng văn hóa Hùng Vương phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ. Ở nhóm nội dung này, các tác giả Nguyễn Tiến Khôi, Đặng Đình Thuận,...đưa ra hệ thống giải pháp khá toàn diện, đồng bộ. Trong khi đó các tác giả Phan Hồng Giang, Bùi Thị Hoa, Phạm Thị Phương Loan, Vũ Huyền Trang... lại tập trung vào những giải pháp cụ thể gắn với Marketing, gắn thiết kế với du lịch làng nghề, chính sách quảng bá sản phẩm...Đây thực sự là những gợi ý quan trọng, thiết thực cho nhóm nghiên cứu đề tài của trường Đại học Hùng Vương tham khảo và sử dụng.

Nhóm thứ 3: Tập trung phân tích giá trị của việc đưa sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương vào thực tiễn đời sống giáo dục cũng như công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Đất Tổ trong bối cảnh hiện nay. Trong nhóm này, các tác giả Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hà,... nhấn mạnh đến tác động của sản phẩm với bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và  hoạt động phục vụ công tác hướng dẫn du lịch tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Trong khi đó, các tác giả Nguyễn Văn Ninh, Lê Thị Thu, Lê Quốc Huy, Nguyễn Xuân Đài,...lai tiếp cận sản phẩm lưu niệm dưới góc độ giáo dục di sản trong các trường học, đưa ra và gợi mở những giải pháp rất có giá trị tham khảo.

Nhìn chung, các tham luận thể hiện sự đồng thuận cao về những đánh giá thực trạng đề xuất giải pháp phát triển tuy nhiên như GS.TS Phạm Hồng Tung nhận xét chúng ta vẫn đứng trên góc độ các nhà khoa học nghiên cứu nên các sản phẩm đưa ra chưa có tính kinh tế nên một đòi hỏi đặt ra sau khi hội thảo kết thúc là các nhà nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài cần phải tính thêm về giá trị kinh tế mà các sản phẩm đem lại. Hội thảo kết thúc hứa hẹn sẽ có những chuyển biến mới trong nghiên cứu thực hiện đề tài, gợi ra những ý tưởng đáng chú ý để xây dựng được hệ thống các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương và không gian văn hóa cội nguồn Đất Tổ.

Dưới đây là một vài hình ảnh của Hội thảo:

TS. Trịnh Thế Truyền - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại Hội thảo

GS.TS Phạm Hồng Tung đại diện cho đoàn chủ tịch phát biểu tại Hội thảo

TS. Hà Thị Lịch – Phó Trưởng phòng KHCN, chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh báo cáo đề dẫn Hội thảo


Một số ý kiến tham luận và thảo luận tại Hội thảo