Dai hoc Hung Vuong

Cổng thông tin điện tử trường Đại học Hùng Vương

Bản in từ địa chỉ: https://www.hvu.edu.vn/tin-tuc/1641950872.hvu
In tin này

Hội thảo khoa học thuộc dự án cấp tỉnh: Nghiên cứu, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao giá trị cho sản phẩm sữa tươi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Gửi vào: 19:23 29/12/2021

Ngày 29/12/2021, Trường Đại học Hùng Vương tổ chức song song hai Hội thảo khoa học “Tiềm năng và định hướng phát triển sản phẩm sữa Vĩnh Thịnh”“Công nghệ chế biến sữa thành các sản phẩm probiotic” thuộc Dự án khoa học cấp tỉnh: Nghiên cứu, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao giá trị cho sản phẩm sữa tươi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do Trường Đại học Hùng Vương chủ trì thực hiện.


 Hội thảo được tổ chức song song với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đại diện cho Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Đại học Hùng Vương, Trường Cao đẳng Thực phẩm Phú Thọ, Lãnh đạo Đảng uỷ, UBND xã Vĩnh Thịnh, đại diện các doanh doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh - huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội thảo được tổ chức song song với 2 hình thức: Trực tiếp và trực tuyến.


TS. Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương phát biểu khai mạc các Hội thảo khoa học

Nghề chăn nuôi bò sữa của tỉnh Vĩnh Phúc đã được hình thành từ những năm 2000, tập trung chủ yếu tại các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo, trong đó khoảng 90% tổng đàn bò sữa được chăn nuôi tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường) với hơn 9.000 con bò sữa và 1.000 con bò thịt, trung bình mỗi hộ chăn nuôi từ 10 - 20 con, nhiều hộ nuôi đến 40 - 50 con. Sản lượng sữa tươi ước đạt 23.500 tấn/năm. Hiện nay, hầu hết nguồn tiêu thụ sữa tươi ở Vĩnh Thịnh được thu mua bởi hai nhà máy Cô gái Hà Lan và Vinamilk với giá thị trường dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg.

Với những lợi thế sẵn có, ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và xã Vĩnh Thịnh nói riêng có rất nhiều tiềm năng để phát triển theo hướng chuyên sâu, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thì việc nghiên cứu, áp dụng những công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị cho các sản phẩm sữa tươi đòi hỏi phải có sự đầu tư sâu hơn, sự đồng hành liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà Nước, nhà Khoa học, nhà nông và nhà Doanh nghiệp để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và hộ chăn nuôi chia sẻ nhiều nội dung nghiên cứu liên quan đến tình hình sản xuất, công nghệ chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ sữa tươi trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh: Đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nguyên liệu sữa tươi; Thảo luận, thống nhất về bộ tiêu chuẩn cơ sở và quy trình trong quản lý chất lượng của các sản phẩm được chế biến từ sữa tươi; Hệ thống hoá các công nghệ chế biến sữa thành các sản phẩm probiotic (công nghệ chế biến sữa tiệt trùng, thanh trùng), xây dựng thương hiệu các sản phẩm: sữa chua nếp cẩm, sữa chua hoa quả, sữa chua thảo dược, sữa bột, fomat, bơ,...vv…


Các ý kiến, trao đổi thảo luận tại Hội thảo

Hai Hội thảo thuộc dự án khoa học cấp tỉnh được tổ chức thành công tốt đẹp. Các trao đổi, chia sẻ tại diễn đàn là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện dự án, sớm triển khai, áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần xây dựng thương hiệu sữa tươi Vĩnh Thịnh phát triển theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

Tin bài: Ngọc Hùng (Phòng CTCT&HSSV)