Dai hoc Hung Vuong

Cổng thông tin điện tử trường Đại học Hùng Vương

Bản in từ địa chỉ: https://www.hvu.edu.vn/tin-tuc/1651056667.hvu
In tin này

Hội thảo “Tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá môn Toán (lớp 7, lớp 10) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018” thành công tốt đẹp

Gửi vào: 16:40 27/04/2022

Thực hiện nội dung Nghị quyết số 41/NQ-ĐU ngày 30/5/2018 về đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo các hệ đào tạo đến năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2025; trên cơ sở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trên cả nước. Sáng nay, ngày 28/4/2022 Trường Đại học Hùng Vương tổ chức Hội thảo “Tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá môn Toán (lớp 7, lớp 10) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”.


Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo về phía chuyên gia, diễn giả có: GS. TS. Cung Thế Anh - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng chủ biên sách giáo khoa môn Toán, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Về phía đại biểu, khách mời có đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị và hơn 200 giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tham dự.

Về phía Trường Đại học Hùng Vương có TS. Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng; TS. Phan Thị Tình - Phó Hiệu trưởng cùng toàn thể giảng viên giảng dạy ngành Toán, học viên cao học, sinh viên chuyên ngành Toán học của Nhà trường.


TS. Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương bày tỏ niềm vui mừng được tiếp đón chuyên gia, các đại biểu, cán bộ, giảng viên và sinh viên, học viên Nhà trường đến tham dự Hội thảo. Đồng chí Phó Hiệu trưởng mong muốn, thông qua Hội thảo lần này giảng viên, học viên cao học, sinh viên ngành Toán của Nhà trường sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu của chuyên gia nhằm hoàn thiện hơn công tác chuyên môn, có nhiều ý tưởng mới, kết quả mới về các phương pháp giảng dạy bộ môn Toán cũng như trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chia sẻ học thuật trong lĩnh vực Toán học.


GS. TS. Cung Thế Anh - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội,
đồng chủ biên sách giáo khoa môn Toán, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chia sẻ tại Hội thảo

Với chủ đề “Tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá môn Toán (lớp 7, lớp 10) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018” các chuyên gia, báo cáo viên đã chia sẻ nhiều nội dung ý nghĩa như:

Một là, những điểm mới của chương trình môn Toán lớp 7, lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018: Chương trình môn Toán lớp 7, lớp 10 gồm ba mạch kiến thức: Đại số và Giải tích, Hình học và Đo lường, Thống kê và Xác suất. Đáng chú ý là các tác giả Chương trình đã nêu rõ quan điểm xây dựng Chương trình là: "Chương trình GDPT môn Toán chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của HS, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho các tác giả SGK và GV phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện Chương trình". Quan điểm xây dựng chương trình môn Toán cả hai lớp đều nhấn mạnh một số quan điểm sau: 1. Đảm bảo tính tinh giản, thiết thực, hiện đại; 2. Đảo bảo tính thống nhất, sự nhất quán và phát triển liên tục; 3. Đảo bảo tính tích hợp và phân hóa; 4. Đảm bảo tính mở.

Tư tưởng chủ đạo trong SGK được thể hiện rõ từ cấu trúc của sách đến cách tiếp cận các nội dung giáo dục: 1. Đổi mới SGK theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực của HS nhưng không xem nhẹ vai trò của kiến thức. Kiến thức và kĩ năng là hai nhân tố quan trọng để phát triển phẩm chất và năng lực của HS; đồng thời chúng có quan hệ mật thiết với nhau: có kiến thức thì mới hình thành và phát triển được kĩ năng; ngược lại, có rèn luyện và nâng cao kĩ năng thì kiến thức mới được củng cố và phát triển sâu sắc; 2. Kiến thức Toán không chỉ phát triển từ chính Toán học mà quan trọng hơn, còn bắt nguồn từ cuộc sống và phục vụ cho cuộc sống; 3. Nội dung và phương pháp giáo dục phải phù hợp với đặc điểm tâm lí và trải nghiệm của HS lớp 7, lớp10; 4. Các năng lực chung và năng lực toán học có quan hệ liên kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Do đó, bên cạnh các năng lực vốn đã được coi trọng như năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực mô hình hoá toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học, không thể xem nhẹ các năng lực như: năng lực giao tiếp toán học (đọc, nghe, viết, diễn đạt các nội dung Toán học), năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán; 5. Nội dung Toán 7, lớp 10 phải bảo đảm tính tích hợp nội môn và liên môn, tính phân hoá trong giáo dục và hỗ trợ tốt cho GV trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

Hai là, thiết kế tiến trình tổ chức các đơn vị bài học: Tiến trình tổ chức bài học phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản: a) Phù hợp với tiến trình nhận thức của học sinh (đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó); b) Quán triệt tinh thần “lấy người học làm trung tâm”, phát huy tính tích cực, tự giác...; c) Linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực; kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo với việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học truyền thống; d) Sử dụng đủ và hiệu quả các phương tiện, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định đối với môn Toán. Thiết kết tiến trình tổ chức các đơn vị bài học nhằm hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho HS. Thực hiện tiến trình bốn bước lên lớp: 1) Khởi động, vào bài: Nêu vấn đề; 2) Hình thành kiến thức: Gồm cấu phần: Tìm tòi - Khám phá; Đọc hiểu - Nghe hiểu; 3) Luyện tập, củng cố: Gồm cấu phần: Ví dụ, Luyện tập, Thực hành, Tranh luận; 4) Vận dụng: Gồm cấu phần: Vận dụng, Thử thách nhỏ. Phương pháp, cách thức tổ chức các đợn vị bài học: bên cạnh xu hướng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như công cụ dạy học, GV cần lưu ý tích cực sử dụng những phương pháp dạy học không truyền thống sau đây: 1. Dạy học tìm tòi, khám phá; 2. Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề; 3. Dạy học dự án.

Ba là, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực môn Toán chú trọng việc lựa chọn phương pháp, công cụ đánh giá các thành tố của năng lực toán học. Cụ thể:

-  Đánh giá năng lực tư duy và lập luận toán học: có thể sử dụng một số phương pháp, công cụ đánh giá như các câu hỏi (nói, viết), bài tập,

-  Đánh giá năng lực mô hình hoá toán học: lựa chọn những tình huống trong thực tiễn làm xuất hiện bài toán toán học.

-  Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề toán học: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nhận dạng tình huống, phát hiện và trình bày vấn đề cần giải quyết

-  Đánh giá năng lực giao tiếp toán học: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nghe hiểu, đọc hiểu, ghi chép (tóm tắt), phân tích, lựa chọn.

-  Đánh giá năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nhận biết được tên gọi, tác dụng, quy cách sử dụng, cách thức bảo quản, ưu điểm, hạn chế của các công cụ, phương tiện học toán.


GS.TS. Cung Thế Anh ....


... giải đáp các ý kiến thắc mắc của các đại biểu tham dự Hội thảo.


Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Hội thảo “Tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá môn Toán (lớp 7, lớp 10) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018” thành công tốt đẹp. Đây là cơ hội để giảng viên, học viên cao học, sinh viên ngành Toán của Nhà trường được giao lưu, kết nối, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực Toán học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay./.

Tin bài: Mai Anh (Phòng CTCT&HSSV)