Dai hoc Hung Vuong

Cổng thông tin điện tử trường Đại học Hùng Vương

Bản in từ địa chỉ: https://www.hvu.edu.vn/tin-tuc/1382494310.hvu

Hướng dẫn về việc phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ ở trường ĐH Hùng Vương

Gửi vào: 09:04 15/08/2013

Hướng dẫn về việc phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ

ở trường ĐH Hùng Vương

1.      Mục đích

- Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

- Nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các cá nhân và tập thể nhà khoa học đối với các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.

- Quảng bá các kết quả nghiên cứu và khả năng áp dụng các kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội góp phần mở ra các khả năng thu hút nguồn lực tài chính, phát triển cơ sở vật chất trang thiết bị, chuyển giao kết quả, sản phẩm.

- Làm cơ sở để các đơn vị chủ động xây dựng triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.

- Từng bước hoàn thiện và phát triển cơ cấu đào tạo – nghiên cứu – dịch vụ theo hướng đại học nghiên cứu ở Trường Đại học Hùng Vương.

2. Căn cứ ban hành hướng dẫn

- Luật sở hữu trí tuệ số 20/2005/QH11 của Quốc hội.

- Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi số 36/2009/QH12 của Quốc hội.

- Các văn bản về SHTT tại Trường Đại học Hùng Vương (Ban hành kèm theo Quyết định số 508/QĐ-ĐHHV ngày 01 tháng 10 năm 2012 về việc thành lập Trung tâm SHTT tại Trường Đại học Hùng Vương).

3. Đối tượng quyền SHTT và nguyên tắc quản lý, sử dụng sản phẩm trí tuệ

3.1. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được quy định theo điều 3 của luật Sở hữu trí tuệ của Quốc hội (số 36/2009/QH12) gồm:

a. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

b. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

c. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

Cách dùng từ ngữ liên quan đến đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong điều 4 của luật Sở hữu trí tuệ (số 36/2009/QH12).

3.2. Trường Đại học Hùng Vương quản lý các sản phẩm và tài sản trí tuệ được hình thành trên cơ sở sử dụng nguồn kinh phí của Nhà nước hoặc nguồn kinh phí khác có sử dụng cơ sở vật chất của Trường Đại học Hùng Vương.

3.3. Các sản phẩm trí tuệ liên kết với các đơn vị ngoài Trường Đại học Hùng Vương sẽ được thỏa thuận riêng bằng văn bản theo từng trường hợp cụ thể.

3.4. Các đơn vị trong Nhà trường phối hợp với tác giả SHTT tìm các biện pháp khai thác sử dụng sản phẩm SHTT. Trường Đại học Hùng Vương tạo mọi điều kiện để tác giả triển khai ứng dụng hoặc thương mại hóa sản phẩm và tài sản trí tuệ.

3.5. Các quy định về phân chia lợi nhuận khi chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền SHTT, bán các sản phẩm ứng dụng… được thực hiện theo luật SHTT, luật chuyển giao công nghệ và các quy định của Trường Đại học Hùng Vương với phương châm đảm bảo quyền lợi của tác giả và khuyến khích các nhà khoa học triển khai ứng dụng sản phẩm trí tuệ.

4. Nội dung thực hiện

4.1. Các nhóm đối tượng phát triển SHTT và phương thức hỗ trợ:

Nhóm 1: Các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đã hoàn thành có tiềm năng đạt được kết quả đăng kí SHTT: Các đơn vị lập danh sách nhóm đối tượng này để hướng dẫn đơn đăng kí SHTT; hỗ trợ tài chính chi phí nộp đơn, làm các thủ tục trong quá trình thực hiện đăng ký bảo hộ SHTT và duy trì văn bằng bảo hộ SHTT.

Nhóm 2: Các kết quả nghiên cứu, công trình khoa học đã công bố có thể lựa chọn để đầu tư bổ sung nhằm hoàn thiện và phát triển thành sản phẩm có khả năng đăng ký SHTT: Các đơn vị tập hợp và tổ chức xét chọn các công trình thuộc nhóm này, đề xuất thành đề tài nghiên cứu phát triển sản phẩm đăng ký SHTT. Các đề tài thuộc nhóm này sẽ được Trường Đại học Hùng Vương thẩm định và phê duyệt và hỗ trợ thủ tục đăng ký SHTT. Ưu tiên cho các đề xuất có khả năng hoàn thành sản phẩm đăng ký SHTT trong thời gian không quá 6 tháng.

Các  trường hợp đặc biệt sẽ được Nhà trường liên hệ, giới thiệu với các doanh nghiệp đối tác để hỗ trợ kinh phí phát triển sản phẩm thương mại hoàn chỉnh và đăng ký SHTT.

Nhóm 3: Các đề xuất đề tài nghiên cứu KHCN các cấp của Trường Đại học Hùng Vương có sản phẩm đăng kí SHTT (các sáng chế, giải pháp hữu ích, vật liệu mới, giống cây trồng…). Trường Đại học Hùng Vương sẽ thực hiện ưu tiên xét duyệt các đề tài này và với kinh phí bao gồm cho cả nội dung hỗ trợ thủ tục đăng ký SHTT.

4.2. Thành lập đầu mối phụ trách đăng ký SHTT:

Trung tâm Sở hữu trí tuệ Trường Đại học Hùng Vương có trách nhiệm phân công cán bộ phụ trách theo dõi, hỗ trợ các nhà khoa học/nhóm nghiên cứu làm thủ tục nộp đơn, đăng ký SHTT với Cục SHTT;  giúp các các nhà khoa học thanh toán các chi phí đăng ký SHTT.

5. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đăng ký SHTT

5.1. Trường Đại học Hùng Vương hỗ trợ các chi phí trong quá trình thực hiện đăng ký SHTT bao gồm lệ phí nộp đơn, phí thẩm định nội dung, phí công bố đơn. Kinh phí này được đưa vào kinh phí đề tài đối với nhóm 2 và 3. Kinh phí hỗ trợ nhóm 1 được các đơn vị đưa vào kế hoạch hàng năm.

 Trường Đại học Hùng Vương trả phí duy trì hiệu lực của văn bằng SHTT. Sau thời hạn 5 năm kể từ khi cấp bằng bảo hộ mà sản phẩm trí tuệ không được khai thác sử dụng thì Nhà trường sẽ trao lại chủ sở hữu cho tác giả tự khai thác và tự trả phí duy trì hiệu lực của văn bằng SHTT.

5.2. Sản phẩm đăng ký SHTT của các nhà khoa học/nhóm nghiên cứu là thành tích được các đơn vị xét tặng giải thưởng đặc biệt hàng năm, kèm theo tiền thưởng. Định mức tiền thưởng được qui định trong qui chế chi tiêu nội bộ và kinh phí khen thưởng được trích trong quỹ khen thưởng của đơn vị.

Hàng năm, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương xét tặng bằng khen và thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động đăng ký SHTT.

5.3. Sản phẩm đăng ký SHTT cùng với các công bố có giá trị đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh khi xem xét các dự án đầu tư phát triển.

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Các đơn vị lập kế hoạch phát triển hoạt động SHTT của đơn vị theo 3 nhóm đối tượng ghi trong mục 3.1.

6.2. Chủ động tổ chức các hoạt động phổ biến, quán triệt chủ trương phát triển SHTT của Trường Đại học Hùng Vương tới các nhà khoa học/nhóm nghiên cứu, tổ chức hội đàm trao đổi kinh nghiệm, quy trình đăng ký SHTT trong đơn vị.

6.3. Trung tâm Sở hữu trí tuệ Trường Đại Hùng Vương hỗ trợ các đơn vị trong việc tổ chức tìm hiểu về SHTT, quy trình đăng ký SHTT và phối hợp giúp các đơn vị làm thủ tục đăng ký SHTT với Cục SHTT (xem thủ tục đặng ký quyền SHTT và mẫu đơn đăng ký tại website Nhà trường).

6.4. Phòng Kế hoạch – Tài chính phối hợp với Phòng QLKH&QHQT tìm nguồn kinh phí hàng năm hỗ trợ cho hoạt động SHTT

6.5. Phòng Thanh tra, Khảo thí và Đảm bảo chất lượng phối hợp với Phòng QLKH&QHQT lập kế hoạch làm việc với các đơn vị nhằm kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện  kế hoạch này./

 

Download hướng dẫn tại đây