Dai hoc Hung Vuong

Cổng thông tin điện tử trường Đại học Hùng Vương

Bản in từ địa chỉ: https://www.hvu.edu.vn/tin-tuc/1630209561.hvu

Trường Đại học Hùng Vương tham dự Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021–2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức

Gửi vào: 10:54 28/08/2021

Sáng nay ngày 28/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GDĐT, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị

Dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương cùng đại diện lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các Sở GDĐT 63 tỉnh thành trên cả nước.

Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Lãnh đạo các Sở, ngành của Tỉnh. Dự họp cùng, về phía Trường Đại học Hùng Vương có TS. Hoàng Công Kiên - Bí thư Đảng ủy , Hiệu trưởng Nhà trường.


Đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
chủ trì tại điểm cầu tình  Phú Thọ


Các đồng chí Lãnh đạo Trường ĐH Hùng Vương và các đại biểu dự Hội nghị.

Dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Trường Đại học Hùng Vương có TS. Đỗ Khắc Thanh - Chủ tịch Hội đồng trường; các đồng chí Lãnh đạo trường cùng đại diện các đơn vị của trường.

 
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ
phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những nỗ lực của toàn ngành, các địa phương và toàn xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo trong năm học qua. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngành GDĐT cần chỉ đạo các cấp học có sự quan tâm hơn nữa đến mục tiêu dạy người học toàn diện, thực chất hơn; phối hợp với các cấp, ngành, địa phương hoàn thiện thể chế về GDĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục; căn cứ thực tế mỗi địa phương để thực hiện sắp xếp lại hệ thống trường lớp, từng bước ổn định đội ngũ về cả số lượng và chất lượng, ưu tiên đội ngũ thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, ngành GDĐT chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp. Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến cả trong trường hợp bình thường lẫn trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không để bị động lúng túng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học, giữ vững mục tiêu chất lượng giáo dục.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần quan tâm ưu tiên đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ việc dạy học, và hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để không em nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng phân cấp và thanh tra kiểm tra, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo…


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo khái quát kết quả năm học 2020 - 2021 
và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục vào Đào tạo báo cáo, năm học 2020-2021, dịch COVID-19 xuất hiện trở lại và bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, an sinh xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong thời gian trẻ ở nhà; hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình GDPT học kỳ II đảm bảo những nội dung cốt lõi, nền tảng; vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục, nhằm thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, hoàn thành mục tiêu kép, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Năm học 2021 - 2022, toàn ngành Giáo dục và đào tạo đã đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; xây dựng văn hóa học đường; cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo, trước hết là để thích ứng với tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài…


Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu thống nhất cao với dự thảo báo cáo. Đồng thời, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho việc thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trong năm học 2021 - 2022.

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 được tổ chức đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học theo Chỉ thị 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ và giải pháp trong năm; Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021 - 2022 của toàn ngành Giáo dục. Kết quả của Hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm học 2021-2022, hướng tới những định hướng cho chặng đường 5 năm tiếp theo của ngành Giáo dục trên cả nước./.

Tin bài: Đỗ Oanh (Phòng CTCT&HSSV)