Dai hoc Hung Vuong

Cổng thông tin điện tử trường Đại học Hùng Vương

Bản in từ địa chỉ: https://www.hvu.edu.vn/tin-tuc/1638232871.hvu

Nhiệm vụ khoa học công nghệ độc lập Quốc gia do Trường ĐH Hùng Vương chủ trì được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt kết quả rất cao

Gửi vào: 20:34 30/11/2021

Chiều nay, ngày 29/11/2021, tại Bộ Khoa học và Công nghệ (Hà Nội) đã diễn ra Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu phát triển cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa) theo hướng dẫn GACP-WHO trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận” do Trường Đại học Hùng Vương chủ trì thực hiện.


Toàn cảnh Hội đồng đánh giá nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia
do Trường ĐH Hùng Vương chủ trì


PGS. TS. Nguyễn Thượng Dong - Nghiên cứu Viên cao cấp, Nguyên Viện trưởng
 Viện Dược liệu TW, Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi nghiệm thu

Tham gia Hội đồng đánh giá, có PGS. TS. Nguyễn Thượng Dong - Nghiên cứu Viên cao cấp, Nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu TW, Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS Nguyễn Duy Thuần - Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực dược liệu và một số ngành khoa học khác đến từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu: Viện Dược liệu (Bộ Y tế); Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT), Hội Dược liệu Việt Nam…

Tham dự Hội đồng đánh giá, về phía cơ quan chủ trì nhiệm vụ KHCN có TS. Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp Quốc gia.


Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Phạm Thanh Loan - Viện trưởng Viện NCƯD&PT, Trường ĐHHV,
Chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo tóm tắt kết quả của nghiên cứu

 Sau 4 năm triển khai nghiên cứu, nhóm thực hiện nhiệm vụ KHCN đã hoàn thành đúng tiến độ, các nhiệm vụ đều đạt và vượt yêu cầu so với đăng ký, cụ thể: Nghiên cứu, trồng thử nghiệm và đăng ký thành công giống Địa hoàng 19 với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo thông báo số 909/TB-TT-CLT ngày 31/7/2020 của Cục Trồng trọt. Đây là giống dược liệu Địa hoàng được đăng ký đầu tiên ở Việt Nam; Xây dựng hoàn thiện được 01 Quy trình canh tác Địa hoàng theo tiêu chuẩn GACP; Xây dựng thành công 01 quy trình nhân giống Địa hoàng bằng công nghệ invitro; Xây dựng được 01 bản tiêu chuẩn cơ sở Can địa hoàng, nâng cấp so với Dược điển Việt Nam (chỉ tiêu dư lượng kim loại nặng); Trồng được một số vùng dược liệu Địa hoàng trên địa bàn tỉnh đạt năng suất rất cao với sản lượng hơn 20 tấn Can địa hoàng; Hoàn thiện Bản đồ quy hoạch khu vực trồng cây Địa hoàng tại tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận…vv… Cùng đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chuyển giao các kết quả nghiên cứu, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản sản phẩm cho bà con nhân dân tại nhiều địa phương trong tỉnh thông qua các buổi tập huấn, tổ chức hội thảo. Ngoài ra nhóm nghiên cứu đã công bố được 04 bài báo, trong đó có 3 bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus; Hướng dẫn thành công 04 học viên cao học.


Một số hình ảnh về quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia của nhóm nghiên cứu


Các nhà khoa học phản biện trao đổi tại Hội đồng

Tại Hội đồng đánh giá, các nhà khoa học đã đánh giá rất cao về hàm lượng khoa học, về hiệu quả đóng góp mới có ý nghĩa thực tiễn cao của nhiệm vụ nghiên cứu trên hai phương diện:

Về hiệu quả kinh tế: Địa hoàng là dược liệu có nhu cầu lớn, giá trị cao nên khi canh tác quy mô lớn sẽ tạo thu nhập tốt cho người sản xuất. Cung cấp nguồn nguyên liệu đảm bảo số lượng, chất lượng cho các công ty dược phẩm trong nước; Mô hình trồng Địa hoàng 19 trên đất bãi ven sông đã cho lợi nhuận từ 5.433.060đ/sào BB/năm đến 6.054.000đ/sào BB/năm và giá trị MBCR so với trồng ngô đạt từ 2,11 - 2,26 > 2 sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, khai thác tối đa những lợi thế, tiềm năng từ tài nguyên đất của nước ta, mang lại những giá trị thiết thực cho người dân.

Về hiệu quả xã hội: Việc đưa cây dược liệu Địa hoàng 19 vào cơ cấu giống cây trồng của địa phương giúp người dân tiếp cận được kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới trong canh tác dược liệu, hướng tới sản xuất quy mô lớn góp giải quyết bài toán về việc làm, tạo thêm sinh kế, nguồn thu nhập ổn định cho người dân; Đồng thời, trong quá trình canh tác theo hướng dẫn GACP sẽ kiểm soát tốt các yếu tố: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải, nguồn đất, nguồn nước, đảm bảo an toàn và bền vững cho môi trường.


Các đại biểu, nhà khoa học chụp hình lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu phát triển cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa) theo hướng dẫn GACP-WHO trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cậndo Trường Đại học Hùng Vương chủ trì thực hiện đã thành công tốt đẹp, những kết quả nghiên cứu được công nhận có giá trị cao là minh chứng khẳng định sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Hùng Vương, xứng tầm với vai trò là một Trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của tỉnh Phú Thọ và cả nước./.

Tin bài: Ngọc Hùng (Phòng CTCT&HSSV)

Ảnh: Nhóm nghiên cứu