12:24, Thứ Bảy, 20/04/2024     Lịch công tác   Thư điện tử   English

Trường Đại học Hùng Vương tham dự “Diễn đàn Hà Nội lần thứ nhất về Khoa học Giáo dục và Sư phạm 2021”

Thứ năm, 25/11/2021, 13:35

Nhằm tạo ra một môi trường học thuật để thảo luận, nghiên cứu, tham vấn các chính sách về tiếp cận và thích nghi mới trong giáo dục và sư phạm, sáng ngày 24/11/2021, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức “Diễn đàn Hà Nội lần thứ nhất về Khoa học Giáo dục và Sư phạm 2021” (HaFPES 2021).

 

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của hơn 1000 các nhà khoa học đến từ các trường ĐH, Viện nghiên cứu, Tổ chức giáo dục uy tín trong và ngoài nước như: Đại học Boston, Đại học South Carolina - Hoa Kỳ; ĐH Southern Cross - Úc; Trường Đại học Giáo dục và Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Sư phạm và Kỹ thuật Hưng Yên; Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Đại học Văn Lang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tạp chí Giáo dục … cùng đông đảo sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và hàng ngàn lượt tương tác trên các kênh truyền thông của Trường Đại học Giáo dục.

Các chuyên gia khách mời tham dự Diễn đàn đã tham gia bàn thảo về các vấn để liên quan đến khoa học giáo dục và sư phạm thông qua 4 phiên thảo luận với nhiều chủ đề phong phú:

Phiên 1: Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học và công nghệ;

Phiên 2: Phương pháp và công nghệ mới trong đào tạo giáo viên;

Phiên 3: Nghiên cứu lý luận Khoa học Giáo dục;

Phiên 4: Phương pháp nghiên cứu liên ngành trong Khoa học Giáo dục.


TS. Phan Thị Tình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương tham dự thảo luận tại phiên 1

Tham dự diễn đàn về phía Trường Đại học Hùng Vương có TS. Phan Thị Tình - Phó Hiệu trưởng. Tại phiên thảo luận thứ nhất của Hội thảo, TS. Phan Thị Tình nhấn mạnh Trường Đại học Hùng Vương với đặc thù là trường đại học địa phương đào tạo đa ngành theo định hướng ứng dụng. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường luôn dẫn đầu khối các trường ĐH, CĐ địa phương về chất lượng đào tạo, đặc biệt là bề dày đào tạo khối ngành sư phạm, cung cấp được hàng nghìn giáo viên chất lượng cho cả nước.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác đào tạo giáo viên của Nhà trường, TS. Phan Thị Tình cho biết, với sứ mạng là trường đại học công lập đầu tiên của tỉnh, Trường Đại học Hùng Vương đã tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, cụ thể: Xác định giá trị cốt lõi của từng ngành đào tạo, tăng cường phối hợp các cơ quan, nhà quản lý, các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, thực tập, rèn nghề cho đến tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp; Trang bị cho giáo viên những năng lực vượt trội cả về kiến thức lẫn kỹ năng, đặc biệt chú trọng phát triển năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu; Đổi mới quá trình quản trị đào tạo sư phạm theo mô hình chuyển đổi số với những lớp học online xuyên biên giới được tổ chức thường xuyên nhằm tăng cường sự giao lưu, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại với hệ thống giảng đường, viện nghiên cứu, khu thực hành, thực nghiệm sư phạm; Gắn đào tạo giáo viên với nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức…vv… Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực Trường Đại học Hùng Vương đã và đang có những đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của nền giáo dục Phú Thọ nói riêng và cả nước  nói chung.


Đại biểu của các cơ sở giáo dục trao đổi tại diễn đàn

Tại diễn đàn, GS.TS Philip G. Altbach (Đại học Boston, Hoa Kỳ) đã có những chia sẻ về sự phát triển của giáo dục đại học và ảnh hưởng của Covid-19 đến thế giới, trong đó đặc biệt là ảnh hưởng tới Việt nam. Giáo sư nhận định, các trường đại học trên thế giới đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong môi trường học thuật. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đại học, công nghệ hoá bài giảng được các trường sử dụng nhiều hơn. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra và phát triển mạnh hơn trong và sau đại dịch Covid-19.

Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số trong dạy học online, TS. Tôn Quang Cường (ĐH Giáo dục) nhận định, hiện nay phương thức dạy học của chúng ta chủ yếu triển khai theo dạy học online. Tiến sỹ Cường cho rằng, chúng ta phải hướng đến người học khi họ hướng đến hoạt động cụ thể, lớp học thông minh phải là những người học thông minh, biết sử dụng công cụ thông minh để thực hiện nhiệm vụ yêu cầu của việc học và dạy học.

Diễn đàn Hà Nội lần thứ nhất về Khoa học Giáo dục và Sư phạm (HaFPES 2021) đã kết thúc thành công tốt đẹp. Diễn đàn là bước khởi đầu trong chuỗi các diễn đàn về khoa học giáo dục và sư phạm dự kiến sẽ được tổ chức trong các năm tiếp theo. HaFPES 2021 hướng tới việc tạo ra một môi trường học thuật để thảo luận, nghiên cứu, tham vấn các chính sách về cách tiếp cận và thích nghi trong lĩnh vực đào tạo giáo viên và khoa học giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số và việc sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật) trong giáo dục đang ngày càng phổ biến./.

Tin bài: Đỗ Oanh (Phòng CTCT&HSSV)





HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN