13:16, Thứ Hai, 29/04/2024     Lịch công tác   Thư điện tử   English

Đề án đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Hùng Vương đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Kinh tế từ năm 2018

Thứ bảy, 05/08/2017, 07:54

Hiện nay trường Đại học Hùng Vương có đủ năng lực đào tạo trình độ thạc sĩ Quản lý kinh tế. Tham gia giảng dạy các môn của chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý kinh tế có 01 giáo sư, 18 tiến sĩ thuộc các ngành, chuyên ngành về Quản lý kinh tế, Kinh tế, Kinh tế phát triển, Quản trị ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh tế nông nghiệp, Triết hoc,... Nếu được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ Quản lý kinh tế sẽ là tạo điều kiện cho các nhà khoa học của khoa, trường và các đơn vị kinh tế khác được tham gia và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nhiều hơn nữa. Trường Đại học Hùng Vương có đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên ngành đáp ứng tốt việc giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, thảo luận chuyên đề và chấm luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế.

Từ thực tiễn về nhu cầu và nhiệm vụ, năng lực đào tạo trình độ thạc sĩ Quản lý kinh tế của Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Hùng Vương xây dựng đề án đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nhà trường đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Kinh tế từ năm 2018.

(Trích nội dung phần 2 của Đề án)

PHẦN 2: NĂNG LỰC CỦA CƠ SỞ ĐÀO TẠO

2.1. Khái quát chung về quá trình đào tạo

Quy mô hiện nay của trường là gần 7.000 học viên, sinh viên (hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học) đang theo học ở trình độ Thạc sĩ, Đại học và Cao đẳng.

Từ năm 2009 đến nay, Trường đã liên tục liên kết đào tạo cao học với các trường: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,,... Từ năm học 2015 - 2016, trường Đại học Hùng Vương đã đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Bộ môn Toán, Lý luận văn học. Năm 2017, trường Đại học Hùng Vương được phép đào tạo thêm 04 ngành thạc sĩ, đó là thạc sĩ khoa học cây trồng, thạc sĩ thực vật học, thạc sĩ chăn nuôi và thạc sĩ Giáo dục học. Các ngành cao học liên kết đào tạo và các ngành do Trường đào tạo nói trên đã cung cấp nguồn nhân lực đáng kể cho sự phát triển của Trường, các Viện nghiên cứu, các cơ sở kinh tế, các cơ quan quản lý trên địa bàn Tây Bắc và Đông Bắc bộ.

 Trường đã học tập và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quản lý trong đào tạo sau đại học: Tổ chức thi tuyển, chương trình và kế hoạch học tập, giảng dạy, thi và kiểm tra các học phần, hướng dẫn và bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Nhiều cán bộ, giảng viên có học vị Tiến sĩ có điều kiện tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn, tham gia các Hội đồng bảo vệ luận văn,... Nhờ vậy, chất lượng giảng dạy của nhà trường được nâng lên, từng giảng viên tích luỹ được kinh nghiệm về đào tạo sau đại học.Nhiều đề tài nghiên cứu trong quá trình đào tạo đã có đóng góp cho sự phát triển kinh tế  - xã  hội ở Tây Bắc và Đông Bắc nói riêng, cả nước nói chung.  

Công tác đào tạo của trường Đại học Hùng Vương trong 13 năm qua đã phát triển cả về quy mô, loại hình và chất lượng đào tạo, đã cung cấp gần 2 vạn nhân lực cho tỉnh Phú Thọ và các tỉnh trong khu vực. Công tác tổ chức và quản lý đào tạo ở bậc đại học, bậc sau đại học đã đi vào nề nếp, phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ đã bước đầu phát huy tính ưu việt và hiệu quả.

2.2. Đội ngũ giảng viên, cán bộ cơ hữu

Trường Đại học Hùng Vương có đủ lực lượng cán bộ giảng dạy chuyên ngành Quản lý kinh tế đáp ứng yêu cầu mục 3 điều 2, thông tư số 09/2017/TT – BGDĐT về Quy định điều kiện, thủ tục mở mã ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở mã ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ:

Số lượng giảng viên cơ hữu của trường Đại học Hùng Vương tính đến tháng 5 năm 2017 trường có 313 giảng viên cơ hữu, trong đó có 10 PGS, 62 tiến sĩ, 213 thạc sĩ (65 người đang làm nghiên cứu sinh), 37 kỹ sư, cử nhân (27 người đang học thạc sĩ).

Số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ GS, PGS, tiến sĩ ngành đúng và ngành gần với ngành quản lý kinh tế là 11 người, đảm bảo giảng dạy được trên 70% khối lượng chương trình đào tạo.

Số lượng giảng viên thỉnh giảng có trình độ GS, PGS, tiến sĩ ngành đúng và ngành gần với ngành quản lý kinh tế là 10 người.

Số lượng giảng viên cơ hữu quản lý ngành đào tạo có trình độ GS, PGS, tiến sĩ là 05 người.

2.3. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo

Trường Đại học Hùng Vương có hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện, các trang thiết bị giảng dạy - học tập - nghiên cứu, ký túc xá,… đáp ứng được yêu cầu học tập và nghiên cứu của học viên cao học và sinh viên.

 

Nhà trường có trang thông tin điện tử cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu phục vụ đào tạo đại học và sau đại học, cũng như công khai cam kết đảm bảo chất lượng, công khai danh sách giảng viên cơ hữu, danh sách sinh viên học viên trúng tuyển và danh sách sinh viên tốt nghiệp… tại địa chỉ website: http/hvu.edu.vn.

2.4. Hoạt động nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học của trường Đại học Hùng Vương trong thời gian qua không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2002, toàn trường có 95 đề tài (03 đề tài cấp tỉnh, 92 đề tài cấp cơ sở), đến năm 2016 toàn trường có 132 đề tài (01 đề tài cấp nhà nước, 04 đề tài cấp tỉnh, 132 đề tài cấp cơ sở). Nhiều đề tài, dự án cấp nhà nước và cấp tỉnh đã được ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, hàng năm nhà trường còn xuất bản 4 số Tạp chí Khoa học và Công nghệ với 20 bài/số.

Các công trình đã công bố của giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Quản lý kinh tế trong những năm gần đây bao gồm hơn 60 công trình nghiên cứu khoa học các cấp; hơn 70 bài viết đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và hội thảo quốc gia, quốc tế; hơn 20 giáo trình, tài liệu chuyên ngành đã được xuất bản.

2.5. Hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động hợp tác quốc tế, trong quá trình xây dựng và phát triển trường Đại học Hùng Vương luôn chú trọng và tang cường các hoạt động hợp tác quốc tế. Trong những năm vừa qua, nhà trường đã thiết lập quan hệ và ký kết hợp tác với nhiều tổ chức, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở các nước như trường Đại học Quản trị Normandie (Pháp), trường Đại học Kiến Quốc (Đài Loan), Học viện Hồng Hà (Trung Quốc), trường Đại học Kyungsung, trường Đại học Konkuk (Hàn Quốc), Viện King Monkut (Thái Lan), tổ chức LCMS World Mission, Fulbright, Đại sứ quán Hoa Kỳ (Hoa Kỳ),…

Hoạt động hợp tác chủ yếu tập trung vào trao đổi giảng viên, sinh viên; tham gia giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức hội nghị, hội thảo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường đào tạo gần 200 sinh viên quốc tế từ các nước Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Nhà trường đã đưa các sinh viên ngành tiếng Trung đi thực tập 2 tháng tại Trung Quốc, đưa sinh viên ngành Nông Lâm đi thực tập 11 tháng tại Israel. Có 17 lượt chuyên gia và tình nguyện viên người nước ngoài đến giảng dạy ngoại ngữ cho giảng viên và sinh viên nhà trường. Có 40 giảng viên được cử đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài và có hơn chục lượt cán bộ giảng viên nhà trường tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, học tập kinh nghiệm, tham dự hội thảo khoa học quốc tế tại các nước Anh, Thái Lan, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Nhìn chung, hoạt động hợp tác quốc tế của trường Đại học Hùng Vương không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Nhà trường đã có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học và tổ chức quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên trong trường.



(Xem chi tiết đề án tại đây)



HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN