14:28, Thứ Sáu, 29/03/2024     Lịch công tác   Thư điện tử   English

Hội thảo khoa học: Công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Thứ bảy, 27/11/2021, 12:22

Sáng nay, ngày 27/11/2021, Trường Đại học Hùng Vương tổ chức Hội thảo khoa học: “Công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thuộc Dự án khoa học cấp tỉnh phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ với Trường Đại học Hùng Vương.

Hội thảo tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, đơn vị sản xuất lâm nghiệp về công nghệ sản xuất cây giống keo lai bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự huỷ và khả năng ứng dụng của công nghệ này trong sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội thảo được tổ chức song song với 2 hình thức: Trực tiếp và trực tuyến.


Hội thảo được tổ chức song song với 2 hình thức: Trực tiếp và trực tuyến

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý, Lãnh đạo các trường đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy, Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Nông - Lâm (Bắc Giang), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển dịch vụ Nông Lâm nghiệp Phú Thọ, Công ty Lâm nghiệp huyện Yên Lập, cùng đông đảo các học viên, sinh viên ngành Nông - Lâm - Ngư của Trường Đại học Hùng Vương.


TS. Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Trường Đại học Hùng Vương với chiến lược phát triển đào tạo gắn liền với khoa học và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, coi hoạt động NCKH là sức hút, tạo nên thương hiệu, uy tín của nhà trường. Nhiều năm qua, Đại học Hùng Vương luôn chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với hàng trăm đề tài, công trình nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp tỉnh có tính ứng dụng thực tiễn rất cao. Đồng chí Phó Hiệu trưởng mong muốn, thông qua diễn đàn khoa học này Nhà trường sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn thiện hơn các nội dung dự án, làm cơ sở để chuyển giao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào phát triển ngành nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.


Các ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến, tham luận có hàm lượng khoa học rất cao với nhiều nội dung ý nghĩa: Đánh giá, làm rõ thực trạng sản xuất và nhu cầu cây giống trên địa bàn tỉnh; Đưa ra công nghệ, quy trình sản xuất một số loại cây giống: Keo lai, Bạch đàn, Dẻ đỏ bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự huỷ; Đánh giá hiệu quả của công nghệ và khả năng áp dụng vào thực tiễn sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ...vv...


Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Hội thảo khoa học: “Công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thành công tốt đẹp. Các kiến nghị tại Hội thảo là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện dự án, áp dụng vào thực tiễn góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành nông lâm nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ và cả nước nói chung.

Tin bài: Ngọc Hùng (Phòng CTCT&HSSV)





HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN