14:25, Thứ Tư, 15/05/2024     Lịch công tác   Thư điện tử   English

Trở lại Tân Sơn

Chủ nhật, 25/04/2010, 12:24

          Đầu tháng 4 năm 2010, đoàn công tác Trường Đại học Hùng Vương do PGS.TS Cao Văn – Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương làm trưởng đoàn đã lên đường đến huyện Tân Sơn. Mới hơn 6 giờ sáng các thành viên trong đoàn đã có mặt đông đủ tại tiền sảnh Nhà điều hành ở Cơ sở 2 của trường.
          Đang là mùa xuân, cả không gian trong sân trường rợp một màu xanh của cây lá. Những cây long não già, thân hình xù xì, mốc thếch vì năm tháng còng lưng cõng những chiếc lá non mỡ màng. Sau trận mưa hồi đêm sân trường còn đọng lại những hạt mưa xuân loang loáng trên nền sân trường đổ bêtông. Những quả chi chi nhả đầy hạt màu đỏ, loang loáng nước mưa cười thỏa thích dưới sân trường. Còn quá sớm, sân trường vắng vẻ, chỉ có mấy bác bảo vệ, mấy chị nhân viên lao công và các thành viên của đoàn công tác. PGS.TS Cao Văn  có mặt tự bao giờ. Trông anh lúc nào cũng trẻ trung và vui vẻ. Trưởng phòng Công tác chính trị & học sinh sinh viên Bùi Văn Thanh còn bận rộn hoàn tất các phần việc chuẩn bị. Chủ tịch công đoàn  Hoàng Thị Thuận cũng đã có mặt từ rất sớm, tác phong lúc nào cũng thư thái, tự tại. Tân Bí thư Đoàn trường Hà Ngọc Phú hơi có vẻ khiêm nhường, có lẽ dân toán thường như vậy. Ngoài giữ chức Bí thư đoàn Hà Ngọc Phú còn là tổ trưởng Bộ môn Toán – Khoa Toán - Công nghệ. Cùng đi với đoàn còn có hai nữ sinh viên. Trang là sinh viên Khoa Nhạc – Họa nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn. Liên, cô sinh viên xinh xắn, có đôi mắt tình tứ - Khoa Giáo dục tiểu học & Mầm non tôi được biết từ Hội thi nghiệp vụ Sư phạm các trường đại học, cao đẳng toàn quốc ở Thái Nguyên vào dịp đầu năm…Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp – Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ của trường cùng một số các thành viên trong đoàn xếp quà tặng lên xe. Ngoài hơn hai mươi hai triệu đồng tiền mặt, Đoàn thanh niên còn vận động đoàn viên thanh niên quyên góp quần áo cũ làm quà tặng.
          Đúng 6 giờ 30 phút sáng, đoàn xuất phát. Thị xã Phú Thọ lùi lại sau lưng, con  đê quai chạy men theo dòng sông Hồng đang mùa nước cạn đã được đổ nhựa phẳng lì. Nhớ lại những ngày đi làm trên con đường nhầy nhụa bùn đất mỗi khi mưa xuống, tôi thầm mỉm cười một mình. Cuộc sống trên vùng quê Đất Tổ đang dần đổi thay, đi lên  từng ngày. Không khí trong xe vui vẻ, thân tình. PGS.TS Cao Văn vui vẻ kể những câu chuyện vui. Đến địa bàn huyện Tân Sơn, một cán bộ huyện Tân Sơn đợi đoàn ở ngang đường, dẫn đoàn tới thẳng Trường Tiểu học Thu Ngạc. Ông Bùi Văn Huấn – thường vụ huyện ủy – Phó chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cùng lãnh đạo các phòng ban chức năng của huyện, các ban ngành của xã Thu Ngạc cùng cán bộ giáo viên và một số em học sinh Trường Mầm non Thu Ngạc, Trường Tiểu học Thu Ngạc, Trường TH CS Thu Ngạc đã đợi sẵn đón đoàn. Sân trường đầy hoa nắng. Đang trong giờ học nhưng sân trường im phăng phắc, các em học sinh chăm chú nghe giảng. Tuổi đời bình quân của cán bộ, giáo viên  còn rất trẻ. Đa phần các thầy, cô đã từng  là sinh viên của nhà trường. Thầy trò, đồng nghiệp gặp nhau trong tình cảm chân tình, thân mật. Thay mặt cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hùng Vương, PGS.TS Cao Văn trao tặng quà cho đại diện các trường. Giá trị quà không lớn song đó là tình cảm, nghĩa tình, là số tiền được quyên góp, tiết kiệm từ đồng lương, chi tiêu hàng ngày của  tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường. Ông Bùi Văn Huấn phát biểu, cảm ơn những tình cảm mà thầy và trò Trường Đại học Hùng Vương đã dành cho thầy cô giáo, học sinh và nhân dân huyện Tân Sơn. Những đồng tiền của thầy trò nhà trường sẽ góp phần nhỏ bé vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân huyện Tân Sơn. Những quyển sách, cây bút giúp các em học sinh xã Thu Ngạc có được cơ hội đến trường học cái chữ. Những manh quần, tấm áo tuy đã cũ nhưng ấm tình người kia sẽ giúp các em giảm bớt cái lạnh vào những ngày đông về …
          Mới được thành lập ba năm nay, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả song được sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, của tập thể, cá nhân các cấp, các ngành, nhân dân huyện Tân Sơn từng bước tháo gỡ khó khăn, xóa đói, giảm nghèo. Theo lãnh đạo huyện cho biết, từ khi mới tách lập số hộ nghèo chiếm tới hơn 60% nay giảm xuống còn hơn 40%. Bên cạnh sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, còn là  sự nỗ lực cố gắng vượt bậc của lãnh đạo, nhân dân huyện Tân Sơn. Tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng cao. Nhiều em học sinh cách trường trên dưới 10 cây số đường đất song hàng ngày vẫn nhẫn nại, kiên trì, quyết tâm đến lớp, đến trường học cái chữ. Nhìn những gương mặt thầy, cô rạng ngời quyết tâm, lòng yêu nghề tôi thấy lòng mình ấm lại. Đa phần các thầy cô đã từng học tập dưới mái trường Đại học Hùng Vương. Chiếc nôi Đại học Hùng Vương đã góp phần giáo dục, đào tạo nên những thế hệ nhà giáo chân chính cho tỉnh Phú Thọ nói riêng, các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc nói chung. Tình cảm lưu luyến, đoàn công tác Trường Đại học Hùng Vương và lãnh đạo huyện Tân Sơn, xã Thu Ngạc và cô trò Trường Mầm non Thu Ngạc, Trường Tiểu học Thu Ngạc và Trường Trung học cơ sở Thu Ngạc cùng nhau chụp một bức hình lưu niệm, lưu giữ một tình cảm đẹp, một khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời.
          Đoàn chia tay thầy cô giáo xã Thu Ngạc trong tình cảm lưu luyến. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Xe lăn bánh, ngôi trường lùi lại phía sau, con đường nhỏ dẫn chúng tôi tới xã Tân Phú – trung tâm huyện Tân Sơn. Ông Bùi Văn Huấn cùng đi với chúng tôi. Đã hơn một năm nay tôi mới gặp lại anh. Trông anh trẻ ra nhiều. Cũng lẽ đó là do cảm nhận của riêng tôi. Cũng vào thời gian này năm trước, tôi cùng đoàn công tác nhà trường tới kiểm tra sinh viên thực tập tại Tân Sơn. Hôm đó ông Bùi Văn Huấn thay mặt lãnh đạo huyện Tân Sơn tiếp chúng tôi. Nay trở lại Tân Sơn tôi thấy quang cảnh đổi thay khá nhiều. Con đường nội huyện đang trong thời gian thi công, đất đỏ au phơi mình trong nắng xuân. Tôi hình dung ra Tân Sơn trong nay mai. Đất nước đang trên đà đổi mới, Tân Sơn cũng đang từng ngày thay da đổi thịt. Trên đường đi chúng tôi cùng trao đổi về thực tế ở Tân Sơn. Xe dẫn chúng tôi tới gia đình một hộ nông dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu 9, xã Tân Phú. Đứa trẻ nhỏ con chủ nhà đứng ở cửa vô tư ngó mọi người bằng đôi mắt trẻ thơ hồn nhiên, chưa vướng chút buồn vui của cuộc đời. Trong căn nhà nhỏ (nhà tình nghĩa) bếp lửa đốt giữa nhà. Trong nhà chả có gì đáng giá. Bác chủ nhà bị lòa, bà vợ thì bị tật ở tay. Bà vợ cười rạng rỡ, lí nhí nói lời cảm ơn. Bác chủ nhà thì luôn miệng cảm ơn. Ông còn hắng giọng trịnh trọng mà chúc rằng : “Cảm ơn các bác, các anh, các chị. Chúc  lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo huyện  có người bảo vệ..”. Lời chúc nôm, mộc mạc của bác chủ nhà làm chúng tôi nao lòng. Một chút tấm lòng, một chút quà gọi là “chia ngọt sẻ bùi” thôi song đã góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc giúp gia đình bớt chút khó khăn. Liên -  cô sinh viên Mầm non bị rịn trò chuyện với cô bé con bác chủ nhà. Lên xe rồi Liên còn thắc thẩm không biết bao giờ em bé đó mới  được đến trường.
          Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn tới thăm và tặng quà một gia đình thân nhân liệt sỹ thuộc khu 5, xã Tân Phú. Ngôi nhà cấp bốn khá tươm tất. Đoàn công tác và chủ nhà trò chuyện trong không khí thân mật, ấm cúng như trong một gia đình. Khi đoàn ra về hai nữ sinh viên còn thân mật vuốt ve, trò chuyện với chú chó to xù. Chú chó vẫy đuôi soắn suýt, hai cái tai cụp xuống ra chiều mừng rỡ lắm. Do thời gian hạn hẹp, còn một số xuất quà chưa trao được tận tay các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách khác, đoàn nhờ huyện chuyển giúp.
          Kết thúc cuộc hành trình, chúng tôi tới thăm và làm việc tại UBND huyện Tân Sơn. Ông Bùi Đức Nhẫn – Thường vụ huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cùng cán bộ huyện tiếp chúng tôi. Quá trình làm việc đại diện hai bên đã cùng nhau bàn định kế hoạch giúp đỡ nhân dân huyện Tân Sơn trong thời gian tới: Hàng năm, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường sẽ tiếp tục quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi với các em học sinh, nhân dân huyện Tân Sơn. Nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện, giúp nhân dân huyện Tân Sơn mở các lớp khuyến nông, các lớp đào tạo ngắn hạn về kiến thức Nông – Lâm – Ngư. Tổ chức sinh viên tham gia phong trào tình nguyện, gia các hoạt động văn hóa, chính trị với bà con trong thời gian nghỉ hè…
          Thực hiện chủ trương “Lá lành đùm lá rách” của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua thầy và trò Trường Đại học Hùng Vương đã triển khai nhiều cuộc vận động, ủng hộ, quyên góp các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, các em học sinh khó khăn vùng sâu vùng xa ở tỉnh Phú Thọ  và các tỉnh miền miền núi phía Bắc. Đây là một trong những nghĩa cử cao đẹp, chia ngọt sẻ bùi của  tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên nhà trường.

          Chia tay và rời Tân Sơn đoàn công tác Trường Đại học Hùng Vương lên đường trở về thị xã Phú Thọ. Bao nhiêu công việc của trường, của lớp đang chờ chúng tôi. Tân Sơn, một vùng đất, một quê của Phú Thọ đang từng bước tháo gỡ khó khăn. Ngay trên chặng đường về trường, PGS.TS Cao Văn đã tranh thủ thời gian trao đổi với ông Hà Ngọc Linh – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác - Đào tạo về việc gửi cán bộ huyện Tân Sơn theo học lớp khuyến nông sẽ được tổ chức trong thời gian tới.

          Chúng tôi mỗi người theo đuổi một ý nghĩ nhưng trong lòng mỗi người chắc hẳn đều lắng đọng cái tình, cái nghĩa ở đời. Một điều chắc chắn là chúng tôi sẽ còn  trở lại với Tân Sơn.
 
Châu Hà




HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN