07:42, Thứ Bảy, 20/04/2024     Lịch công tác   Thư điện tử   English

Hội thảo khoa học Quốc gia: “Phát triển kinh tế địa phương: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0” thành công tốt đẹp

Thứ năm, 19/04/2018, 14:25

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Hùng Vương và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2017 – 2020, được sự đồng ý của UBND tỉnh Phú Thọ, trong hai ngày 18 và 19/4/2018, hai trường phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển kinh tế địa phương: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả, thành tựu đạt được, tìm ra những tồn tại, hạn chế và rào cản kìm hãm sự phát triển kinh tế địa phương đồng thời phân tích những cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp phù hợp với phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

Sáng nay, ngày 19/4/2018, Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế địa phương: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0” bước vào ngày làm việc chính thức.

Toàn cảnh Hội thảo

Tới dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời Trung ương có TS. Hoàng Xuân Hòa – Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp; TS. Phạm Ngọc Thắng – Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương); PGS.TS. Phạm Ngọc Linh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ – Môi trường (Ban Tuyên giáo Trung ương); lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Vụ Kinh tế, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng đại diện các ban, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Phú Thọ có đồng chí Hà Kế San – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Vi Trọng Lễ – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hữu Điền – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Hội thảo còn có sự tham gia đông đảo của lãnh đạo, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ gần 20 trường đại học (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Trường ĐH Ngoại thương; Trường ĐH Thương mại; Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội; Trường ĐHSP Hà Nội 2; Trường ĐHSP Thái Nguyên; Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên; Trường ĐH Thái Bình; Trường ĐH Hồng Đức; Trường ĐH Tân Trào; Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì; Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh...), hơn 10 viện nghiên cứu trên phạm vi cả nước (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính; Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an; Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội; Viện Kế toán kiểm toán và Tài chính doanh nghiệp; Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội; Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc; Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn...) và các đơn vị đối tác của Trường Đại học Hùng Vương.

Về phía đơn vị tổ chức Hội thảo có TS. Trịnh Thế Truyền – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương; PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ban Giám hiệu cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên cao học và sinh viên của 2 trường.

Đồng chí Hà Kế San – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ
phát biểu chào mừng Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Hà Kế San – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: Phú Thọ là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp cũng như các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, tỉnh Phú Thọ còn gặp phải không ít những khó khăn, bất cập. Đồng chí đánh giá cao việc Trường Đại học Hùng Vương và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ động trong việc phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia: “Phát triển kinh tế địa phương: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm đánh giá, phân tích một cách sâu sắc về những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của địa phương. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận hai nhóm vấn đề chính, bao gồm: (1) Thống nhất cách thức giải bài toán tái cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; Nghiên cứu, ban hành cơ chế ưu tiên, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, đóng góp tích cực cho ngân sách, tạo sự chuyển dịch cơ cấu, phát triển công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. (2) Kiến nghị cách thức lựa chọn hình thức huy động vốn đầu tư phù hợp với thực tế của tỉnh; Đề xuất các giải pháp phát triển Du lịch và các giải pháp liên quan đến cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn một cách có hiệu quả.

TS. Trịnh Thế Truyền – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương phát biểu đề dẫn
và khai mạc Hội thảo

Thay mặt đơn vị tổ chức Hội thảo, TS. Trịnh Thế Truyền – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi được tiếp đón các vị đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến tham dự Hội thảo. Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định Hội thảo là diễn đàn quan trọng góp phần làm sáng tỏ cách thức phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của từng địa phương và tỉnh Phú Thọ; phân tích thành công, hạn chế trong tái cơ cấu kinh tế và lựa chọn ngành kinh tế mũi nhọn; đề xuất những giải pháp và chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển Phú Thọ nói riêng, các tỉnh trong khu vực nói chung trở nên hấp dẫn đầu tư và có sự tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Hội thảo đã nhận được hơn 80 bài tham luận từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương. Nhiều tham luận tiêu biểu được trình bày và thảo luận trực tiếp tại phiên chính thức và phiên mở rộng của Hội thảo. Các ý kiến đã tập trung đánh giá một cách thuyết phục thực trạng phát triển kinh tế địa phương, tình hình thu hút vốn đầu tư, mối quan hệ giữa vốn đầu tư và tăng trưởng, trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tình hình phát triển nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động; phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp, khả năng tiếp cận vốn tín dụng doanh nghiệp… Đồng thời kiến nghị, đề xuất các bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế địa phương, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới giáo dục đại học, phát triển du lịch, thu hút vốn đầu tư… Trên cơ sở đó, các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự Hội thảo đề xuất một số khuyến nghị khoa học làm luận cứ cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế địa phương nói chung và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới.

Sau phiên thảo luận chính thức, Hội thảo đã chia thành 4 tiểu ban thực hiện tọa đàm song song nhằm thảo luận sâu hơn về các vấn đề cụ thể, bao gồm: (1) Các vấn đề kinh tế, kinh tế phát triển, kinh tế đầu tư; (2) Các vấn đề về tài chính, ngân hàng, kế toán; (3) Các vấn đề về quản lý kinh tế và kinh tế chính trị; (4) Các vấn đề về du lịch và nông nghiệp. 

Thảo luận tại các Tiểu ban

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đại diện Ban tổ chức phát biểu đánh giá cao tinh thần nghiêm túc trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo. Đồng thời khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế địa phương, chính quyền các tỉnh cần nắm bắt cơ hội do toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và giá trị của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; Cần đặc biệt coi trọng hiện đại hóa nền kinh tế trên cả phương diện phát triển kinh tế và quản trị phát triển theo hướng chất lượng và bền vững. Mỗi tỉnh có đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội khác nhau, do đó các địa phương nên và cần phát huy thật tốt tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của riêng mình để phát triển kinh tế một cách đậm dấu ấn đặc thù theo phương châm có hiệu quả cao và bền vững hơn. Để phát triển tốt kinh tế địa phương, chính quyền có vai trò quyết định nhất, vì thế cần hoàn thiện bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý từ tỉnh xuống đến huyện, xã. Các nhà quản lý cần trang bị kiến thức một cách toàn diện, kịp thời và xây dựng đạo đức công vụ vì sự thịnh vượng của nền kinh tế địa phương. Doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy, tỉnh Phú Thọ và các địa phương cần phát huy tối đa vị trí, vai trò trong quá trình phát triển kinh tế…

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
phát biểu kết luận Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Trước đó, trong ngày 18/4/2018, các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đi tham quan cơ sở vật chất, cảnh quan Trường Đại học Hùng Vương và tìm hiểu những nét khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của Nhà trường.

Buổi chiều cùng ngày, Ban tổ chức triển khai các hoạt động tham quan, tìm hiểu về lịch sử - văn hóa vùng đất Tổ với những di sản văn hóa độc đáo gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước và các di sản được UNESCO công nhận, vinh danh. Tại đây, các vị đại biểu đã tới dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10/3) và tham quan Trại văn hóa của Trường Đại học Hùng Vương.

Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển kinh tế địa phương: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0” do Trường Đại học Hùng Vương và Trường Đại học Kinh tế Quốc tổ chức đã thành công tốt đẹp. Ban tổ chức Hội thảo sẽ gửi kết quả và khuyến nghị khoa học đến các cơ quan Trung ương và địa phương. Có thể khẳng định, những đề xuất, khuyến nghị của Hội thảo hội tụ, tập trung trí tuệ của rất nhiều các nhà khoa học đầu ngành, các nhà quản lý có thể trở thành những luận cứ khoa học để các cơ quan chức năng tham khảo, sử dụng trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế địa phương thời gian tới.

Trung tâm Truyền thông, KNDN&HTSV





HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN