15:37, Chủ Nhật, 28/04/2024     Lịch công tác   Thư điện tử   English

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN Ý ĐỊNH KHỞI NGHIỆP CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÙNG VƯƠNG

Thứ hai, 15/01/2024, 14:08

Phát triển ý định khởi nghiệp của sinh viên là một trong những xu hướng phát triển kinh tế, xã hội trên toàn thế giới, tạo động lực tăng trưởng trong đổi mới, sáng tạo. Sinh viên đại diện cho thế hệ mới với ưu điểm vượt trội về khả năng thích nghi, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển lối tư duy sáng tạo. Các cơ sở giáo dục đại học với vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh thúc đẩy khởi nghiệp thông qua việc cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực được trang bị kiến, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm cần thiết, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học đào tạo theo định hướng ứng dụng.

Nhằm đánh giá  đầy đủ và có hệ thống các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, Trường Đại học Hùng Vương đã phê duyệt triển khai, giao Khoa KT&QTKD chủ trì, TS. Trần Quốc Hoàn làm chủ nhiệm thực hiện đề tài: “Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Hùng Vương” (mã số HV26.2022) thực hiện trong thời gian từ 11/2022 -01/2024. Sử dụng mô hình EFA trên bộ số liệu khảo sát 1.255 sinh viên Trường Đại học Hùng Vương chỉ ra rằng “Tính cách và thái độ”, “Giáo dục khởi nghiệp”, “Năng lực bản thân”, và “Hỗ trợ khởi nghiệp của nhà trường” là những yếu tố có tác động thuận chiều đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, thể hiện qua phương trình hồi quy chuẩn hóa: Ý định khởi nghiệp = 0,394 x Tính cách và thái độ + 0,188 x Giáo dục khởi nghiệp + 0,140 x Năng lực bản thân + 0,045 x Hỗ trợ khởi nghiệp của nhà trường + ε. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đưa ra các giải pháp phát triển ý định khởi nghiệp của sinh với hướng đến hai chủ thể chính là Trường Đại học Hùng Vương và sinh viên, gồm: Phát triển tính cách cá nhân và các kỹ năng để làm cơ sở hình thành tư duy và hành vi kinh doanh, nâng cao thái độ của sinh viên về khởi nghiệp; Nâng cao năng lực bản thân của sinh viên; Tăng cường các hoạt động hỗ trợ của Nhà trường cho sinh viên khởi nghiệp; và đầu tư vào hoạt động giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các kiến nghị và đề xuất để thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp. Trong đó, cần quan tâm triển khai các nội dung sau: (i) Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, chú trọng nguồn lực tài chính cho khởi nghiệp; (ii) Thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trực thuộc Phòng Khoa học và Công nghệ; (iii) Đưa học phần Khởi nghiệp được giảng dạy chính khóa cho sinh viên toàn trường; (iv) Xây dựng fanpage tư vấn khởi nghiệp cho sinh viên, đồng thời trên website của Nhà trường nên xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về “Khởi nghiệp”.

Đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá, nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc vì đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ nghiên cứu và có các sản phẩm khoa học, đào tạo có chất lượng tốt. Việc triển khai thực hiện và các kết quả đạt được của đề tài có ý nghĩa thiết thực, đóng góp thêm cơ sở lý luận cho các giải pháp phát triển khởi nghiệp trong sinh viên.

Hình ảnh các Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài:

 Bài và ảnh: Phòng KHCN, P. CTCT&HSSV





HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN